Your cart is currently empty!
Kịch bóng và hình thức đọc sách sáng tạo mới cho trẻ
Kịch bóng trên thế giới
Những hình ảnh chiếu bóng nhiều màu sắc nhảy múa trên nền vải trắng được căng ra trên sân khấu – kịch bóng – hẳn không còn là hình ảnh xa lạ với những ai yêu thích văn hóa Trung Hoa. Nghệ thuật kể chuyện bằng bóng của các con rối có lịch sử hơn nghìn năm, được cho là xuất hiện lần đầu trong triều Đại Đường, và thịnh hành trong triều đại nhà Tống.
Sân khấu kịch bóng được bố trí đơn giản với chỉ một phông trắng mờ, có nguồn chiếu sáng để lấy bóng các nhân vật, các nghệ sĩ hai tay cầm các que dài điều khiển con rối, miệng nói cương hoặc hát theo câu chuyện. Trong kịch bóng nguyên thủy, phông nền được tạo ra từ giấy dâu tằm, các con rối được làm từ giấy hoặc da nhuộm màu nối với nhau bằng dây hoặc kẽm, nguồn chiếu sáng thường được dùng là đèn dầu hoặc nến.

Các câu chuyện trong vở kịch thường được lấy cảm hứng từng các tích cổ Phật giáo, câu chuyện dân gian, truyền thuyết, hí kịch, hoặc các câu chuyện lịch sử như Tam Quốc diễn nghĩa. Kịch bóng Trung Hoa thường bao gồm hát, nhạc, tiếng trống, tiếng gõ của thanh gỗ, chũm chọe. Hiệu ứng âm thanh và tiếng động minh họa thổi hồn cho những bóng rối trong tay các nghệ sĩ. Khi nhân vật chính bị truy đuổi, hoảng sợ, chạy trốn thì tiếng trống dồn dập; hay vào thời khắc báo hiệu nguy hiểm thì một sợi xích sắt được thả từ trên cao xuống chiếc khay sắt, tạo ra âm thanh tạo ra bầu không khí.
Mỗi nghệ nhân điều khiển rối đều cần nhuẫn nhuyễn các kĩ năng hát ngẫu hứng, hát giọng gió, điều khiển đồng thời nhiều con rối, và chơi nhiều loại nhạc cụ. Thường một vở kịch bóng cần từ hai tới năm hoặc bảy tới chín nghệ nhân rối tham gia, tùy thuộc vào quy mô và độ phức tạp của vở diễn.

Tuy rằng bề sâu lịch sử nhất, nhưng Trung Hoa không phải là quốc gia duy nhất có loại hình nghệ thuật đặc sắc này. Kịch rối bóng đã xuất hiện trong lịch sử của hơn 20 quốc gia trên toàn thế giới. Ở Indonesia, rối bóng cũng đóng vai trò quan trọng trong văn hóa truyền thống, các vở kịch ở đây thường xoay quanh cuộc đấu tranh giữa thiện và ác. Và ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong thời kỳ Đế Quốc Ottoman những năm cuối thế kỷ 14, các vở rối bóng dựa trên cuộc sống hàng ngày và chứa nhiều chất hài hước cũng rất thịnh hành.
Tại Châu Âu, việc chơi đùa với những cái bóng được nhắc đến lần đầu bởi Plato vào những năm 380 trước công nguyên. Tuy nhiên, chỉ tới khi thương nhân và nhà truyền giáo đem các buổi trình diễn kịch bóng từ Trung Quốc về Châu u vào thế kỷ 17, hình thức nghệ thuật này mới trở nên thịnh hành và được ưa chuộng. Kịch bóng đã lan rộng ở Pháp, Ý, Anh, và Đức. Ở Pháp, nó được gọi với cái tên mỹ miều “ombres chinoises”, dịch ra là “Bóng Trung Hoa”, nhằm gợi nhớ tới nguồn gốc của nó; trong khi đó các quốc gia khác gọi nó với cái tên huyền bí hơn: đèn lồng ma thuật.

Kịch bóng được cho là tiền thân của chiếu bóng và điện ảnh, bởi các hình thức nghệ thuật này đều được xây dựng dựa trên sự chơi đùa với ánh sáng, hình ảnh, và màn chiếu. Không chỉ vậy, cách kịch bóng phát triển và sử dụng âm nhạc, âm thanh minh họa, màu sắc, cũng được coi là tiền đề của điện ảnh.
Kịch bóng đương đại
Thuận theo sự phát triển của thời đại, kịch bóng cũng đã có nhiều thay đổi. Con rối bóng đương đại có thể được tạo ra bằng cách kết hợp nhiều loại chất liệu như giấy, nhựa, gỗ, bộ lọc ánh sáng sân khấu màu, vải, lông, cây khô hoặc các vật thể tìm thấy từ khăn lụa đến dụng cụ nhà bếp. Có những con rối bóng thậm chí còn được tạo ra bởi đầu dây ba chiều và thân vải.
Phối hợp với âm thanh của bộ gõ truyền thống và cử động của nhân vật rối còn có hiệu ứng ánh sáng với công nghệ hiện đại. Ánh sáng lúc đậm, lúc nhạt, lúc ngập tràn, lúc sầm tối, lúc le lói, lúc chói chang, tạo ra các sắc độ và tâm trạng khác nhau cho khung hình được biểu diễn trên nền phông.
Chiếu bóng và sách cho trẻ
Có ý kiến cho rằng kịch bóng là hình thức nghệ thuật rất phù hợp cho trẻ nhỏ, bởi kịch bóng thú vị nhất khi người xem có trí tưởng tượng phong phú, và đây là điều mà các bé luôn có rất nhiều. Không chỉ vậy, đây còn là hình thức nghệ thuật phi ngôn ngữ, vậy nên các bé sẽ không bị giới hạn bởi vốn từ của mình và có thể dễ dàng bắt kịp câu chuyện chỉ bằng việc theo dõi các cử động và âm thanh.
Hiện, đã có những cuốn sách chiếu bóng thuộc bộ “Bedtime Shadow” do nhiều tác giả cùng chung tay tạo ra tận dụng hình thức tương tác với ánh sáng và bóng đầy thú vị này. Các trang trong sách thường đi kèm giấy mica trong suốt in hình, vậy nên chỉ cần một bức tường phẳng và một chiếc đèn pin, bố mẹ và các bé đã có thể cùng háo hức diễn những vở kịch bóng hấp dẫn của chính mình ngay trong chính ngôi nhà nhỏ.
Leave a Reply